0
Chưa có sách nào trong giỏ hàng

Review sách

Hiểu về “Quyền lực mới”

23.03.2019

Tất cả chúng ta đều cảm nhận được rằng cán cân quyền lực trên thế giới đang thay đổi. Chúng ta có thể thấy các cuộc phản kháng chính trị đang gia tăng, những cuộc khủng hoảng trong việc đại diện và quản trị, cùng với các doanh nghiệp mới nổi đang lật đổ các ngành công nghiệp truyền thống. Nhưng bản chất của sự thay đổi này có xu hướng bị lãng mạn hóa hoặc bị đánh giá thấp một cách nguy hiểm.

Hiểu về “Quyền lực mới”

Có những người ưa thích những ảo tưởng phù phiếm về một công nghệ-không tưởng, nơi sự kết nối được gia tăng sẽ sản sinh ra tính dân chủ và sự thịnh vượng tức thì. Những gã khổng lồ doanh nghiệp và quan chức sẽ sụp đổ, rồi đám đông hợp thành vòng tròn, mỗi người chúng ta đều đội chiếc vương miện in 3D của riêng mình. Người ta đồn rằng thực tế mọi thứ sẽ không thay đổi nhiều. Twitter được cho là đã soán ngôi một nhà độc tài ở Ai Cập, nhưng đơn giản thì một người khác lại xuất hiện và thế chỗ ông ta. Chúng ta say sưa kể về những công ty start-up của nền kinh tế chia sẻ, nhưng các doanh nghiệp và cá nhân quyền lực nhất dường như chỉ càng nắm được nhiều quyền lực hơn. 

Cả hai quan điểm này đều sai. Chúng giam hãm chúng ta trong một cuộc tranh luận về công nghệ, mà trong đó mọi thứ đều thay đổi hoặc không có gì thay đổi cả. Trên thực tế, một sự biến đổi thú vị và phức tạp hơn nhiều chỉ vừa mới bắt đầu, được thúc đẩy bởi sự căng thẳng đang gia tăng giữa hai lực lượng tách biệt: quyền lực cũ và quyền lực mới. 

Quyền lực cũ hoạt động như một loại tiền tệ (currency). Nó được nắm giữ bởi một số ít người. Một khi có được nó, nó sẽ được bảo vệ thận trọng và người có quyền lực là người tích trữ một khối lượng đáng kể để dùng chúng. Quyền lực cũ mang tính khép kín, không thể tiếp cận, và bị định hướng bởi người đứng đầu. Nó đi theo hướng từ trên xuống, và nó có thể nắm bắt được.

Quyền lực mới hoạt động theo một cách khác, nó giống như một dòng chảy (current). Nó được tạo ra bởi nhiều người. Nó mang tính rộng mở, có sự tham gia và theo định hướng ngang hàng. Nó đi theo hướng từ dưới lên và phân phối rộng khắp. Giống như nước hay điện, nó mạnh nhất khi nó dâng lên. Mục tiêu của quyền lực mới không phải là tích góp lại mà là truyền tải đi.

Mức độ tham gia
Quyền lực mới có được sức mạnh từ năng lực tăng trưởng của con người – cùng sự khao khát – để vượt xa sự tiêu dùng thụ động các ý tưởng và hàng hóa. 

Mức độ tham gia

Các mô hình Quyền lực mới

Quyền lực, như nhà triết học người Anh Bertrand Russell đã định nghĩa, đơn giản là “khả năng hình thành nên những ảnh hưởng có chủ đích”. Quyền lực cũ và quyền lực mới sản sinh ra những ảnh hưởng theo cách khác nhau. Các mô hình quyền lực mới có thể được kích hoạt bằng sự phối hợp theo hàng ngang và hoạt động của cộng đồng – nếu không có họ, các mô hình này chỉ là những chiếc thuyền rỗng. Còn quyền lực cũ thì được kích hoạt bởi những cá nhân hoặc tổ chức sở hữu nó, nhận biết nó hoặc kiểm soát nó mà không để một ai khác can thiệp vào – một khi các mô hình quyền lực cũ mất đi tính chất này, nó cũng mất luôn lợi thế của nó.
Các mô hình quyền lực cũ có xu hướng yêu cầu nhiều hơn việc tiêu dùng. Một tạp chí yêu cầu độc giả gia hạn phí theo dõi, một nhà sản xuất yêu cầu khách hàng mua giày của mình. Nhưng quyền lực mới lại khai thác năng lực tăng trưởng của con người – và sự khao khát – được tham gia bằng nhiều cách vượt xa khỏi việc tiêu dùng. Những hành vi này, được đặt ra trong “Mức độ tham gia”, bao gồm chia sẻ (lấy nội dung của mọi người và chia sẻ với khán giả), định hình (pha trộn, điều chỉnh nội dung hoặc tài sản sẵn có với một thông điệp hoặc dư vị khác), gây quỹ (hỗ trợ tài chính), sản xuất (tạo ra nội dung hoặc phân phát sản phẩm, dịch vụ sang cộng đồng theo hàng ngang, như YouTube, Etsy, hoặc Airbnb), và đồng sở hữu (thấy được trong các mô hình như Wikipedia và các phần mềm nguồn mở).

Chia sẻ và định hình

Facebook là một ví dụ kinh điển về quyền lực mới dựa trên việc chia sẻ và định hình. Khoảng 500 triệu người đang chia sẻ và định hình 30 tỉ mảnh ghép nội dung hàng tháng trên nền tảng đó, một mức độ tham gia thực sự đáng kinh ngạc, mà Facebook dựa vào chính điều đó để tồn tại. Nhiều tổ chức, thậm chí cả những tay chơi thuộc về quyền lực cũ, đều dựa vào những hành vi này để gia tăng sức mạnh cho thương hiệu của họ. Ví dụ như NikeID, một công ty tiên phong trong việc biến khách hàng trở thành nhà thiết kế cho đôi giày của chính mình, giờ đây đang đóng góp một phần lớn thu nhập trực tuyến cho Nike. 

Gây quỹ

Các hành vi gây quỹ là đại diện điển hình cho mức độ cam kết cao hơn chia sẻ và định hình. Hàng triệu người hiện đang sử dụng các mô hình quyền lực mới để hiện thực hóa điều mình mong muốn. Ví dụ như poster gây quỹ cộng đồng cho trẻ em của tổ chức Kiva báo cáo rằng khoảng 1,3 triệu người vay đang sinh sống tại 76 quốc gia đã lần lượt nhận được hơn nửa tỷ đô-la tiền vay.
Các mô hình tặng cho, cho vay và đầu tư theo hàng ngang làm giảm sự phụ thuộc vào các cơ quan truyền thống. Thay vì phải đóng góp qua một cơ quan lớn (như United Way), để cơ quan đó giúp phân phát tiền thành các phần bằng nhau thay cho các mạnh thường quân, cộng đồng có thể hỗ trợ một gia đình cụ thể ở một địa điểm cụ để đang bị ảnh hưởng bởi một vấn đề cụ thể. Các nền tảng như Wefunder cho phép các doanh nghiệp start-up tiếp cận nguồn quỹ từ hàng ngàn nhà đầu tư nhỏ, thay vì phụ thuộc vào số ít những nhà đầu tư rất lớn. Một nhà sáng chế vừa xác lập kỷ lục mới trên Kickstarter, huy động được hơn 13 triệu đô-la từ 62.000 nhà đầu tư. Chắc chắn rằng, các mô hình quyền lực mới gây quỹ đều có mặt trái của chúng: các chiến dịch, dự án, hoặc các doanh nghiệp start-up được đám đông ủng hộ có thể không phải là sự đầu tư khôn ngoan nhất, hay đem lại lợi ích cho nhiều người nhất. Thực sự thì, gây quỹ cộng đồng đã đưa ra một ví dụ điển hình cho xu hướng của con người là hành động ngay lập tức, bản năng và cảm tính hơn là có chiến lược, có tác động lớn và lâu dài.

Sản xuất

Ở mức độ tiếp theo của hành vi, những người tham gia đi xa hơn việc ủng hộ hoặc chia sẻ những nỗ lực của cộng đồng, và đóng góp phần của chính họ vào đó. Những người sáng tạo nội dung trên YouTube, các nghệ nhân Etsy, và những người chạy việc vặt trên TaskRabbit đều là ví dụ về những người tham gia bằng cách sản xuất. Khi có đủ người sản xuất, các nền tảng này sẽ nắm giữ và sử dụng một quyền lực đáng gờm. Lấy ví dụ về Airbnb, một dịch vụ trực tuyến kết hợp khách du lịch cần chỗ ở với các cư dân địa phương có dư phòng. Từ năm 2014, khoảng 350.000 chủ nhà đã tiếp đón 15 triệu khách đến ở tại nhà mình. Như vậy đã đủ để gây áp lực thật sự lên ngành khách sạn. 

Đồng sở hữu

Wikipedia và Linux, hệ điều hành nguồn mở, đều được điều khiển bởi các hành vi đồng sở hữu và đã có tác động rất lớn trong các lĩnh vực của họ. Nhiều trong số các hệ thống phân cấp theo hàng ngang mà giáo sư Yochai Benkler, trường ĐH Luật Harvard, gọi là “chủ nghĩa tương hỗ ngang hàng” cũng thuộc về mô hình này. Chúng ta cũng có thể xem xét một sáng kiến được phát triển không phải từ Silicon Valley mà từ một nhà thờ ở London. Khóa học Alpha là một khuôn mẫu để giới thiệu cho mọi người về tín ngưỡng Kitô giáo. Bất cứ ai muốn tổ chức một khóa học đều có thể tự do sử dụng các tài liệu và định dạng cơ bản –10 buổi họp dành hết cho các câu hỏi trung tâm của cuộc sống – mà không cần phải tập trung tại nhà thờ. Được xúc tác bởi một mô hình trao quyền cho các nhà lãnh đạo địa phương, khóa học đã tiếp cận được 24 triệu người trong các phòng khách và quán cà phê ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Điều khác biệt với những hành vi có sự tham gia của cộng đồng là chúng có thể tải sức mạnh của mình theo hướng từ dưới lên, từ một nguồn tản mác nhưng khổng lồ – niềm đam mê và năng lượng của nhiều người. Công nghệ củng cố những mô hình này, nhưng điều thúc đẩy chúng là một ý thức cao về sự phối hợp của con người.

Các giá trị quyền lực mới

Khi các mô hình quyền lực mới được tích hợp vào cuộc sống hàng ngày của con người và hệ điều hành của cộng đồng và xã hội, một bộ giá trị và niềm tin mới đang được củng cố. Các loại quyền lực không chỉ chảy theo hướng khác nhau, mọi người cũng đang cảm thấy và suy nghĩ khác nhau về nó. Một cô gái tuổi teen và kênh YouTube của riêng cô đang tham gia với tư cách là người sáng tạo nội dung chứ không phải là người thu nhận thụ động các ý tưởng của người khác. Một người đi vay trên nền tảng tài chính ngang hàng Lending Club có thể phi trung gian hóa cơ quan quyền lực lâu đời nhất là ngân hàng. Một người dùng Lyft trải nghiệm tiêu dùng như một cách chia sẻ và chậm rãi thay đổi quan điểm của mình về quyền sở hữu tài sản. 

Những vòng lặp phản hồi này, hoặc nếu được chúng ta nên gọi chúng là các vòng lặp “feed-in” , với điều kiện là chúng dựa trên sự tham gia, có thể thấy rõ kết quả thu được của hành động tập thể ngang hàng và mang lại cho mọi người cảm giác về quyền lực. Khi làm như vậy, họ củng cố các chuẩn mực xung quanh sự hợp tác và thuyết phục được rằng chúng ta có thể làm tốt mà không cần đến những người môi giới quyền lực cũ đã thống trị thế kỷ 20. Các cuộc thăm dò công khai phản ánh sự thay đổi thái độ đối với các cơ quan đã được thành lập. Ví dụ, phương thức đo lường mức độ tín nhiệm của Edelman (Edelman Trust Barometer) năm 2014 đã cho thấy sự thiếu hụt niềm tin vào doanh nghiệp và chính phủ lớn nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2001.

Trong số những người gắn bó sâu sắc với quyền lực mới, đặc biệt là những người dưới 30 tuổi (chiếm hơn một nửa dân số thế giới), một giả định phổ biến đang xuất hiện: Tất cả chúng ta đều có quyền tham gia một cách cơ bản và tự nhiên. Đối với các thế hệ trước, việc tham gia chỉ có thể hiểu là quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử vài năm một lần, hoặc có thể tham gia vào một liên minh hoặc cộng đồng tôn giáo. Ngày nay, con người ngày càng mong đợi được tích cực định hình hoặc tạo ra nhiều khía cạnh trong cuộc sống của họ. Những kỳ vọng này đang tạo ra một loạt các giá trị mới trong một số lĩnh vực:

Quản trị

Quyền lực mới ủng hộ các cách tiếp cận không chính thức, kết nối với quản trị và ra quyết định. Ví dụ, đám đông quyền lực mới sẽ không sinh ra Liên Hợp Quốc, thay vào đó, nó hướng đến quan điểm rằng các vấn đề xã hội lớn có thể được giải quyết mà không cần hành động của nhà nước hoặc quan chức. Thường gặp ở Silicon Valley, nét đặc trưng này có cốt lõi là một niềm tin sâu sắc và đôi khi ngây thơ vào sức mạnh của sự đổi mới và các mạng lưới có thể cung cấp các dịch vụ công mà từ trước đến nay vẫn được cung ứng bởi chính phủ hoặc các cơ quan lớn. Đại diện chính thức ít được ưu tiên hơn; quyền lực mới huy động nhanh hơn và ít các cuộc họp Đại Hội đồng đi.

Hợp tác

Các chuẩn mực quyền lực mới đặt trọng tâm đặc biệt vào sự hợp tác, và đó không chỉ là một cách để hoàn thành công việc hay một phần “quy trình tư vấn” bắt buộc. Các mô hình quyền lực mới trong khả năng tốt nhất của nó sẽ giúp củng cố bản năng hợp tác của con người (thay vì cạnh tranh) bằng cách trao phần thưởng cho những người chia sẻ ý tưởng của mình, truyền bá ý tưởng của người khác hoặc xây dựng và cải tiến trên những ý tưởng có sẵn. Ví dụ, các mô hình kinh tế chia sẻ được thúc đẩy bởi quyết định tích lũy của cộng đồng. Họ dựa vào hệ thống danh tiếng để đảm bảo rằng những vị khách thô lỗ hoặc gây rắc rối trên Airbnb sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ ở trong những lần tiếp theo. 

“Tự chúng ta làm”

Quyền lực mới cũng đang sản sinh ra một đạo lý “tự chúng ta làm”, như Scott Heiferman, CEO của Meetup đã giải thích, và niềm tin vào văn hóa “nghiệp dư” trong các đấu trường từng được mô tả bằng sự chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa. Những anh hùng trong quyền lực mới là những “nhà lắp ráp” sản xuất ra nội dung của riêng họ, tự trồng trọt thức ăn của riêng họ, hoặc xây dựng các tiện ích của riêng họ.

Một thế giới của sự khác biệt
Những người chơi trong mô hình quyền lực mới ngày càng mong đợi được tích cực định hình hoặc tạo ra nhiều khía cạnh trong cuộc sống của họ. Sự kỳ vọng đó làm phát sinh một tập hợp các giá trị mới tập trung vào sự tham gia.

Một thế giới của sự khác biệt

Minh bạch

Những người ủng hộ quyền lực mới tin rằng chúng ta càng làm việc sáng tỏ thì càng tốt. Các quan niệm truyền thống về quyền riêng tư đang được thay thế bằng một loại minh bạch triệt để khi những người trẻ tuổi sống cuộc sống của mình trên phương tiện truyền thông xã hội. Rõ ràng, những bức tường ngăn cách giữa diễn ngôn công cộng và tư nhân đang dần sụp đổ, mang theo những hệ quả hỗn hợp. Và mặc dù các hồ sơ Facebook, nguồn cấp dữ liệu Instagram và những thứ tương tự thường không khác gì một hình thức tự phô bày được quản lý cẩn thận, sự thay đổi theo hướng tăng tính minh bạch đang yêu cầu một phản hồi có đi có lại từ các cơ quan và lãnh đạo của chúng ta, những người đang phải đối mặt với thách thức suy nghĩ lại về cách họ tham gia trong các khu vực bầu cử của mình. Đức Giáo Hoàng Francis, nhà lãnh đạo của một tổ chức được biết đến với sự bí mật của mình, đã rất ngạc nhiên khi thấy cần phải tham gia vào các cuộc trò chuyện quyền lực mới. Lời hứa của ngài về việc làm cho Ngân hàng Vatican minh bạch tài chính hơn và cải cách các hoạt động truyền thông của Vatican là một bước đi bất ngờ theo hướng đó.

Liên kết

Quyền lực mới thích liên kết, nhưng sự liên kết trong thế giới mới này ít bền bỉ hơn nhiều. Mọi người ít có xu hướng trở thành thành viên mang thẻ của các tổ chức (chỉ cần hỏi các nhóm như ACLU để thấy hình thức thành viên này bị đe dọa) hoặc tạo mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ với các tổ chức. Vì vậy, trong khi những người có tư duy quyền lực mới nhanh chóng tham gia hoặc chia sẻ (và nhờ vào các mô hình quyền lực mới, việc “tham gia” vào cộng đồng dễ dàng hơn bao giờ hết), thì họ lại miễn cưỡng với việc tuyên thệ trung thành. Điều này làm cho các mô hình quyền lực mới trở nên mong manh. Quyền lực mới tuy nhanh hình thành nhưng cũng không kiên định. 

Quyền lực mới cũng thay đổi căn bản cách mọi người nhìn nhận bản thân trong mối quan hệ với các cơ quan, chính quyền và với nhau. Những chuẩn mực mới này không nhất thiết phải tốt hơn. Ví dụ, quyền lực mới mang đến các cơ hội thực sự để ban quyền và trao quyền, nhưng có một ranh giới rõ ràng giữa việc tham gia dân chủ hóa và tâm lý đám đông. Đặc biệt là trường hợp của các mạng lưới tự tổ chức thiếu sự bảo vệ chính thức. Quyền lực mới có thể dễ dàng xoay chiều theo hướng của phong trào Tea Party hoặc phong trào Chiếm lấy phố Wall (Occupy Wall Street). 

Một khuôn khổ giúp hiểu biết về người chơi

Đặt hai trục mô hình và giá trị lại với nhau sẽ tạo ra một khuôn khổ giúp các tổ chức suy nghĩ về vị trí hiện tại của họ, và cũng giúp họ lập biểu đồ tiến trình hướng tới một vị trí chiến lược hơn.

La bàn quyền lực mới
Các giá trị và mô hình quyền lực mới và cũ giao nhau rất rõ ràng. Các tổ chức được phân biệt dựa trên hai trục làm sáng tỏ cách mà các công ty đang tích lũy và nắm giữ quyền lực. Chẳng hạn như, vị trí của Occupy nằm ở góc phần tư Crowds, phản ánh cam kết mạnh mẽ của nó đối với quyền lực mới.

La bàn quyền lực mới

Castles (Người chủ lâu đài)

Ở góc phần tư phía dưới bên trái là các tổ chức sử dụng các mô hình quyền lực cũ và có các giá trị quyền lực cũ. Theo ước tính, danh mục này bao gồm công ty có giá trị nhất thế giới (như Apple), cũng như một số công ty “tối cổ”. Thành công của Apple trong 15 năm qua có thể giải thích cho chiến lược được thực hiện tuyệt vời là độc quyền khai thác và đẩy sản phẩm từ trên xuống. Không giống như Google, Apple chủ yếu tránh các phương pháp tiếp cận nguồn mở và mặc cho hội những người hâm mộ chống thành lập và “văn hóa nhà sản xuất” được quản lý cẩn thận của App Store, nó vẫn nổi tiếng về tính bảo mật và bảo vệ IP mạnh mẽ.

Connectors (Người kết nối)

Ví dụ, ở góc phần tư phía trên bên trái là các tổ chức có mô hình quyền lực mới, một mạng lưới kết nối người dùng hoặc nhà sản xuất, nhưng mang tính nhạy cảm của quyền lực cũ. Danh mục này bao gồm những doanh nghiệp ra đời sau khi công nghệ được áp dụng (như Facebook), nơi có các mô hình phụ thuộc vào sự tham gia nhưng đôi khi quyết định của nó dường như bỏ qua mong muốn của cộng đồng, cũng như các tổ chức (như Tea Party), có mạng lưới cơ sở mạnh mẽ, phi tập trung nhưng lại nắm giữ quyền lực của nó trong những văn phòng chính phủ cấp cao. Người chơi trong góc phần tư này có xu hướng hướng tới các giá trị “phòng dành riêng cho người hút thuốc” trong khi vẫn dựa vào mô hình “được tạo ra bởi nhiều người” (và rủi ro tăng lên trong các doanh nghiệp áp dụng điều đó).

Cheerleaders (Người khích lệ)

Ở góc phần tư phía dưới bên phải là các tổ chức sử dụng các mô hình quyền lực cũ nhưng nắm lấy các giá trị quyền lực mới. Điển hình là Patagonia có một mô hình kinh doanh quyền lực cũ truyền thống, nhưng nó nổi bật nhờ nắm giữ các giá trị quyền lực mới (như tính minh bạch). Một số trong những tổ chức “người khích lệ” khác là tờ báo The Guardian đang nỗ lực phát triển vị trí của họ, không chỉ theo đuổi các giá trị quyền lực mới mà còn hợp nhất các mô hình quyền lực mới một cách hiệu quả.

Crowds (Cộng đồng)

Ở góc phần tư phía trên bên phải là các nhà thực hành quyền lực mới “thuần chủng” nhất. Các mô hình hoạt động cốt lõi của họ được định hướng theo hàng ngang và giá trị của họ tôn vinh sức mạnh của đám đông. Đây là nơi chúng ta tìm thấy những người chơi được thiết lập theo hàng ngang (như Wikipedia, Etsy và Bitcoin), và các công ty khởi nghiệp kinh tế chia sẻ mới hơn (như Lyft và Sidecar). Góc phần tư này cũng bao gồm các nhóm hoạt động phân tán và các mô hình giáo dục mở hoàn toàn.
Theo thời gian, một số tổ chức đã chuyển từ góc phần tư này sang góc phần tư khác. Ví dụ như TED, tổ chức dành riêng cho những ý tưởng có giá trị lan truyền. 10 năm trước đây, tổ chức này đã có những bài nói về sự hợp tác và mạng lưới, nhưng thực tế nó không có bất kỳ loại mô hình quyền lực mới nào, nó chỉ đơn giản là một loại hội nghị thường niên đắt tiền, độc quyền và cẩn thận lựa chọn, tổ chức và trình bày bằng kiến thức chuyên môn. Kể từ đó, TED đã mở rộng mô hình của mình bằng cách cho phép tự tổ chức và tham gia thông qua nhượng quyền TEDx và bằng cách làm cho nội dung đã đóng trước đó của nó mở ra cho mọi người. Cả hai quyết định đều có tác động lớn đến quy mô và tầm với của thương hiệu TED, ngay cả khi tổ chức này đã vật lộn với các rủi ro liên quan đến việc nới lỏng kiểm soát. TED hiện đang tận dụng hiệu quả quyền lực cũ bổ sung và mô hình kinh doanh quyền lực mới.

Nuôi dưỡng quyền lực mới

Hầu hết các tổ chức đều nhận ra rằng bản chất của quyền lực đang thay đổi, nhưng tương đối ít người hiểu được những điều mấu chốt gây ảnh hưởng và tác động trong thời đại mới này. Các công ty nhìn thấy các đối tượng mới mạnh mẽ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, vì vậy họ chèn thêm vào một chút công nghệ mà không thay đổi các mô hình hoặc giá trị cơ bản của mình. Họ thuê các cán bộ đổi mới, những người nắm giữ vị trí như “bộ râu ảo” cho các nhà lãnh đạo quyền lực cũ. Họ đã “hướng ra bên ngoài” thông qua Twitter. Thỉnh thoảng họ tổ chức các buổi họp vụng về, lạc lõng với CEO bằng Google hangout.

Nhưng việc có được một trang Facebook không có nghĩa là đã sở hữu một chiến lược quyền lực mới. Nếu bạn làm việc trong một ngành công nghiệp đang bị thay đổi hoàn toàn bởi quyền lực mới, thì thêm vào một số cửa sổ để trang trí cũng chẳng có ích lợi gì. Chẳng hạn như, một tờ báo không thể đơn giản chèn phần bình luận vào cuối mỗi bài báo trực tuyến và gọi đó là quyền lực mới – phải cố tình xây dựng sự tham gia của độc giả và một cộng đồng sôi động, việc này gần như chắc chắn sẽ cần thay đổi trong cả mô hình và các giá trị của doanh nghiệp. Thời báo The New York Times đang vật lộn với vấn đề nan giải này, như báo cáo đổi mới bị rò rỉ năm ngoái của họ đã chứng minh.

Kiểm tra quyền lực của bạn

Một bài tập thiết yếu là đặt tổ chức của bạn lên la bàn quyền lực mới – nơi bạn đang ở hôm nay và nơi bạn muốn đến trong năm năm nữa. Đặt các đối thủ của bạn trên cùng một mạng lưới. Tự hỏi bản thân các câu hỏi định khung: Làm thế nào chúng ta/họ sử dụng được các mô hình quyền lực mới? Và làm thế nào chúng ta/họ nắm lấy các giá trị quyền lực mới? Để hiểu cách tổ chức của bạn đang triển khai quyền lực mới, hãy xem xét hành vi tham gia nào bạn đang kích hoạt. Quá trình này bắt đầu một cuộc đối thoại về thực tế mới và cách tổ chức của bạn cần phản hồi. Không phải lúc nào nó cũng dẫn đến một quyết tâm kiên quyết để triển khai quyền lực mới, trên thực tế, nó có thể giúp các tổ chức xác định các khía cạnh của các mô hình và giá trị cốt lõi mà họ không muốn thay đổi.


Chiếm lấy chính mình

Điều gì sẽ xảy ra nếu có một “phong trào chiếm đóng” hướng thẳng vào bạn? Hãy tưởng tượng một nhóm lớn những người khó chịu đang cắm trại trong trung tâm của tổ chức của bạn, có thể quan sát mọi thứ bạn làm. Họ sẽ nghĩ gì về sự phân phối quyền lực trong tổ chức của bạn và tính hợp pháp của nó? Họ sẽ phẫn nộ và cố gắng lật đổ những gì? Hãy tìm ra nó, và sau đó chiếm lấy chính mình. Mức độ tự phân tích này phải đi trước bất kỳ khoản đầu tư nào vào các cơ chế quyền lực mới. (Các công ty nên đặc biệt cẩn thận về việc xây dựng các nền tảng tham gia mà không phát triển văn hóa tham gia, một công thức chắc chắn sẽ dẫn đến sự thất bại.)

Có một cơ hội tốt rằng tổ chức của bạn đã bị chiếm lấy, cho dù bạn có biết hay không. Các trang web đang xuất hiện cung cấp diễn đàn cho các tài khoản nhân viên ẩn danh chia sẻ về những gì đang thực sự diễn ra bên trong các doanh nghiệp và cách các nhà lãnh đạo bị đánh giá. Trong thế giới quyền lực mới của chúng ta, hành vi riêng tư và các thách thức cốt lõi của mọi tổ chức chỉ là một sự rò rỉ hoặc một tin tweet mà thôi. Điều này đặt ra một mối đe dọa đối với các tổ chức quyền lực cũ thiếu minh bạch, phải đối mặt với mức độ xem xét mới về hiệu suất. Bạn có thực sự cung cấp tiếp cận quảng cáo cho sản phẩm của tôi? Bạn có thực sự cải thiện kỹ năng đọc sách của con tôi không? Ngày nay, các tổ chức khôn ngoan nhất sẽ là những người tham gia vào các cuộc trò chuyện trung thực nhất, bên trong và bên ngoài, về tác động của họ.

Phát triển tư duy vận động

Các tổ chức quyền lực cũ cần phải làm nhiều hơn là chỉ nhìn vào nội bộ; họ cũng cần nghĩ khác về việc tiếp cận ra bên ngoài. Các tổ chức đã xây dựng mô hình kinh doanh của họ dựa trên tiêu dùng hoặc các hành vi tham gia tối thiểu khác sẽ thấy điều này đầy thách thức nhưng ngày càng quan trọng.

Khả năng huy động một cộng đồng người rộng lớn hơn nhiều có thể là một lợi thế kinh doanh quan trọng, như chúng ta đã thấy trong sự thất bại của luật vi phạm bản quyền trực tuyến trên mạng ở Hoa Kỳ vào năm 2012. Trong cuộc xung đột giữa các công ty công nghệ và người giữ bản quyền, cả hai bên đều tranh thủ về mình một nhóm lớn những người vận động hành lang, nhưng chỉ có một bên có thể huy động một “đội quân” công dân. Google, Wikipedia và các tổ chức khác đã truyền cảm hứng cho hành động có ý nghĩa – 10 triệu người ký tên thỉnh nguyện, hơn 100.000 cuộc gọi tới Quốc hội và tấn công vào mạng gây mất Internet, dấy lên một làn sóng văn hóa khi có vấn đề. Cuộc đối đầu gần đây giữa Amazon và Hachette cũng cho thấy hai bên cố gắng huy động đồng minh để đe dọa đối thủ của mình, với việc Amazon tập hợp “Liên hiệp bạn đọc” chống lại “Liên hiệp tác giả” của Hachette.

Để thành công, một phong trào cần nhiều hơn các chiến dịch quảng cáo hoặc thuê người giả vờ ủng hộ. Các nhà lãnh đạo phải có thực tài huy động các tín đồ thực sự, không chỉ nói chuyện với họ mà không biết lắng nghe. Một câu hỏi quan trọng về quyền lực mới cho tất cả các tổ chức là “Ai sẽ là người thực sự xuất hiện vì bạn?”.

Thử thách cho quyền lực mới

Các tổ chức dựa vào quyền lực mới có thể dễ dàng bị đầu độc bởi năng lượng của đám đông và không nhận ra rằng để thay đổi thực sự, họ cũng cần phải thích nghi. Họ nên tâm niệm ba nguyên tắc thiết yếu sau đây.

Tôn trọng cộng đồng (đừng trở thành kẻ độc tài)

Nếu các tổ chức quyền lực cũ sợ bị chiếm lấy, thì các tổ chức quyền lực mới cũng nên sợ bị bỏ rơi. Những người triển khai các mô hình quyền lực mới nhưng mặc định với các giá trị quyền lực cũ đặc biệt có nguy cơ xa rời các cộng đồng đang duy trì chúng. Đây không chỉ là một vấn đề về tư duy khiến các tổ chức mất kết nối với đám đông đã khiến họ phát triển thịnh vượng. Đây cũng là một thách thức thực tế: Kỳ vọng của các bên liên quan quan trọng (các nhà đầu tư, nhà quản lý, nhà quảng cáo, v.v…) thường đi ngược lại với yêu cầu của các cộng đồng quyền lực mới và việc cân bằng những việc phải làm không dễ dàng.

Facebook, cũng giống như nhiều tổ chức với mô hình quyền lực mới, đang đối phó với sự căng thẳng giữa hai nền văn hóa. Tham vọng doanh nghiệp quyền lực cũ của Facebook (quyền sở hữu dữ liệu nhiều hơn, giá trị cổ phiếu cao hơn) xung đột với nhu cầu cộng đồng của chính nó. Sự gia tăng ban đầu của mối quan tâm đến các mạng xã hội thay thế hứa hẹn sẽ tôn vinh các giá trị quyền lực mới có thể là một dấu hiệu của những điều sắp tới. Khi các khái niệm quyền lực mới về quyền kỹ thuật số phát triển, những xung đột này rất có thể sẽ gia tăng.


Phát triển song song

Đối với tất cả các tiến bộ quyền lực mới, điều này vẫn chưa tạo được nhiều sự chú ý trong xã hội. Khan Academy là con cưng của các chuyên gia công nghệ thông tin, nhưng hệ thống giáo dục của chúng ta hầu như không thay đổi, với thời khóa biểu ở trường vẫn được xây dựng theo lối sống gia đình của những năm 1800. Lawrence Lessig, một nhà tư tưởng quyền lực mới hàng đầu, muốn đại tu các luật về chiến dịch tài chính  ở Hoa Kỳ, nhưng ông đã nhận ra rằng cách tốt nhất để kết thúc tất cả các “siêu PACS ” là bằng một siêu PAC khác.

Trong bối cảnh này, chiến lược phù hợp cho thời điểm này thường là “phát triển song song” cả năng lực quyền lực cũ và quyền lực mới. Chẳng hạn như, Arianna Huffington đã xây dựng một nền tảng bao gồm một mạng lưới 50.000 blogger tự xuất bản, nhưng cô cũng khéo léo sử dụng một chiếc Rolodex  quyền lực cũ. Những người chơi song song như Huffington triển khai các kết nối quyền lực cũ để có được những gì họ cần (vốn, tính hợp pháp, tiếp cận quan hệ đối tác, quảng cáo công khai) mà không bị kết nạp hoặc làm chậm. Họ sử dụng quyền lực thể chế mà không bị thể chế hóa.

Có cấu trúc

Các mô hình quyền lực mới sẽ luôn có ảnh hưởng và tác động hạn chế trừ khi chúng hoạt động trong một cấu trúc thượng tầng được thiết kế để phát huy thế mạnh của chúng. Đi theo phong trào toàn cầu Avaaz. Mặc dù có 40 triệu thành viên, nhưng sẽ chỉ nỗ lực để thay đổi hiệu quả nếu cơ chế ra quyết định mà nó tìm cách gây ảnh hưởng là một cấu trúc quyền lực cũ cố thủ (như quá trình đàm phán khí hậu của Liên Hợp Quốc).
Cuộc chiến phía trước, cho dù bạn ủng hộ các giá trị quyền lực cũ hay mới, sẽ là câu chuyện về người có thể kiểm soát và định hình xã hội, các hệ thống và cấu trúc thiết yếu. Liệu các lực lượng quyền lực mới có thể chứng minh khả năng cải cách cơ bản các cấu trúc hiện có không? Liệu họ sẽ có sự khéo léo để bỏ qua chúng hoàn toàn và tạo ra những cái mới? Hay cuối cùng họ sẽ thành công trong việc không cho phép các mô hình quản trị, luật pháp và thị trường vốn truyền thống giữ vững một cách cơ bản?

Khi chúng ta say sưa trong những giây phút hứa hẹn và thấy ngày càng có nhiều người định hình số phận và cuộc sống của họ, câu hỏi lớn là liệu quyền lực mới có thực sự phục vụ lợi ích chung và đối mặt với các vấn đề khó khăn nhất đối với xã hội hay không. Chiến lược và chiến thuật là quan trọng, nhưng những câu hỏi cuối cùng là đạo đức. “Đối với tất cả sức mạnh dân chủ hóa của nó, Internet, ở dạng hiện tại, chỉ đơn giản là thay thế ông chủ cũ bằng một ông chủ mới”, Fred Wilson, một đối tác tại Union Square Ventures, đã cảnh báo như thế. “Và những ông chủ mới này có sức mạnh thị trường, theo thời gian, sẽ lớn mạnh hơn rất nhiều so với ông chủ cũ”.

Quá thường xuyên, những ông chủ quyền lực mới chỉ mơ về một “lối thoát” tốt từ một doanh nghiệp sôi nổi, nhưng chúng ta cần những người lãnh đạo quyền lực mới để mở ra một lối đi thênh thang vào xã hội dân sự. Những người có khả năng truyền tải sức mạnh của đám đông phải biến năng lượng của họ thành một thứ cơ bản hơn: thiết kế lại hệ thống xã hội và và các cấu trúc để bao gồm và trao quyền một cách có ý nghĩa cho nhiều người hơn. Bài kiểm tra lớn nhất đối với các nhạc trưởng của quyền lực mới sẽ là sự sẵn sàng tham gia vào các thách thức của những người ít quyền lực nhất.

QUYỀN LỰC MỚI

Thu gọnXem thêm

Trong thời đại mà mạng xã hội bùng nổ và các phương tiện thông tin truyền thông liên tục được cải tiến, hiếm khi chúng ta nhận ra được mối quan hệ giữa người với người đang dần trở nên vô cùng phức tạp nhưng bị phủ lấp bởi những nền tảng công nghệ ngày càng dễ tiếp cận hơn.

Xem thêm

Review sách