0
Chưa có sách nào trong giỏ hàng

Review sách

4 bước để ‘Vượt bẫy cảm xúc’: Những điều chỉnh nhỏ tạo nên thay đổi lớn

26.05.2022

Nếu bạn đang gặp những vấn đề về tiêu cực trong cảm xúc, cuốn sách Vượt bẫy cảm xúc chính là thứ mà bạn cần nhất lúc này. Nó không chỉ giúp bạn vượt qua khó khăn, mà còn chỉ cách biến những khó khăn đó thành động lực giúp bạn phát triển hơn trong cuộc sống.

Cuộc sống cơm áo gạo tiền luôn mang đến những áp lực nặng nề, khiến con người mệt mỏi và căng thẳng. Chúng ta tất bật lo toan cho tương lai mà quên đi mất việc tận hưởng giây phút hiện tại.

Để sống được với hiện tại nhiệm màu, chúng ta cần phải biết nghệ thuật sống tỉnh thức, thông qua sự linh hoạt trong cảm xúc. Linh hoạt trong cảm xúc không có nghĩa là phớt lờ những suy nghĩ và cảm xúc khó tiếp nhận. Thay vào đó, bạn không bấu víu vào những suy nghĩ và cảm xúc này, đồng thời có đủ can đảm và lòng cảm thông để đối mặt với chúng, sau đó là vượt qua chúng để thực hiện những mục tiêu lớn của đời mình.

Susan David là chuyên gia tâm lý y khoa của Khoa Y ĐH Harvard, nhà đồng sáng lập kiêm đồng chủ tịch của Viện Khai vấn tại Bệnh viện McLean và CEO của tổ chức tư vấn quản lý kinh doanh Evidence Based Psychology.

Bà tin rằng thay vì để cảm xúc khó chịu khiến bản thân chệch khỏi mục tiêu đã định, bạn hoàn toàn có thể đón nhận chúng "như một nguồn cung cấp năng lượng, sự sáng tạo và sự thấu hiểu", và như ngọn hải đăng chỉ đường để hướng bạn về phía những khát khao cháy bỏng nhất của mình.

Với chủ đề "Linh hoạt cảm xúc" này, Susan David đã có bài thuyết trình khá chi tiết trên TED Talk, thu hút hơn 3 triệu lượt xem. Trong cuốn sách Vượt bẫy cảm xúc của mình, tác giả cũng chia sẻ bốn bước thiết yếu để có thể xây dựng khả năng linh hoạt trong cảm xúc nếu muốn thành công trong cuộc sống.

Nhận biết

Đạo diễn Woody Allen từng nói, 80% thành công nằm ở khả năng nhận biết.

Trong ngữ cảnh của quyển sách này, "nhận biết" có nghĩa là đối diện với những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn một cách tự nguyện, với sự cầu thị và lòng trắc ẩn. Một vài suy nghĩ, cảm xúc và hành vi là có giá trị và phù hợp với những gì đang diễn ra tại thời điểm đó. Một số khác lại rất cũ kỹ và cứ lẩn quẩn trong tâm trí của bạn, hệt như một giai điệu mà suốt mấy tuần nay bạn đang cố quên đi.

Trong cả hai trường hợp - cho dù là những phản ánh chính xác về thực tế hay là các nhận thức lệch lạc, chúng đều là một phần của con người chúng ta. Do đó, chúng ta có thể học cách xử lý cũng như vượt qua chúng.

Tách rời

Sau khi nhận biết, bước tiếp theo là tách bản thân khỏi những suy nghĩ và cảm xúc của mình để có thể quan sát và nhận ra đúng bản chất của chúng: Chúng chỉ là suy nghĩ và cảm xúc mà thôi. Bằng cách này, chúng ta tạo ra khoảng không gian mà Frankl đã mô tả - một khoảng không gian mở, không định kiến giữa những gì chúng ta cảm nhận và cách chúng ta phản ứng với chúng.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có thể xác định được những suy nghĩ và cảm xúc khó chịu này ngay trong lúc đang trải nghiệm chúng để từ đó tìm cách phản ứng thích hợp hơn. Những nhận định khách quan này giúp chúng ta không bị khống chế bởi chính những trải nghiệm tâm lý ngắn hạn của mình.

Khi tách bản thân khỏi những suy nghĩ và cảm xúc của mình, chúng ta có được tầm nhìn rộng mở hơn. Điều này có nghĩa là chúng ta học cách xem bản thân như một bàn cờ với vô số nước biến, chứ không phải là một quân cờ có cách đi và số bước hữu hạn.

Theo đuổi lý tưởng

Sau khi đã sàng lọc suy nghĩ và xoa dịu tâm trí, tạo ra không gian cần thiết giữa suy nghĩ và bản thân, chúng ta có thể bắt đầu tập trung nhiều hơn vào những gì mà mình thật sự quan tâm. Đó có thể là các giá trị cốt lõi, những mục tiêu quan trọng nhất đời mình.

Khi nhận ra, chấp nhận và sau đó tách bản thân khỏi những cảm xúc đáng sợ, đau đớn hoặc có tính phá hoại, chúng ta sẽ có khả năng nhìn nhận sự việc ở góc độ bao quát hơn. Tầm nhìn này giúp chúng ta có thể hòa hợp suy nghĩ và cảm xúc với các giá trị và khát vọng về lâu dài của mình, đồng thời tìm ra những cách mới hơn và hiệu quả hơn để đạt được những giá trị và khát vọng đó.

Chúng ta đưa ra hàng ngàn quyết định mỗi ngày. "Nên đến phòng tập gym sau giờ làm hay bỏ tập để đi chơi?", "Nên nhận cuộc gọi từ một người bạn đã khiến mình tổn thương hay cứ mặc kệ?". Những thời điểm ra quyết định này được gọi là điểm lựa chọn. Khi bạn đến điểm lựa chọn, các giá trị cốt lõi sẽ là la bàn giúp bạn đi đúng đường.

Thực thi

Những điều chỉnh nhỏ tạo nên thay đổi lớn.

Quan điểm truyền thống về tự phát triển bản thân có xu hướng nhìn nhận sự thay đổi dưới dạng những mục tiêu to lớn hay những sự biến đổi tuyệt đối. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại cho thấy một nhận định đối lập: những điều chỉnh nhỏ nhưng có chủ ý và phù hợp với những giá trị của bạn có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn.

Điều này đặc biệt đúng đối với những điều chỉnh nhỏ trong những thói quen sinh hoạt hằng ngày. Bởi lẽ, những điều chỉnh này có thể củng cố một sự thay đổi lớn hơn và có sức ảnh hưởng hơn.

Giữ cân bằng để bứt phá giới hạn

Một vận động viên thể dục đẳng cấp thế giới khi thực hiện những động tác phức tạp sẽ khiến những động tác ấy trông vẫn nhẹ nhàng. Đó là thành quả của nhiều năm luyện tập, khiến các cơ bắp chắc khỏe trở nên linh hoạt.

Khi có cái gì đó làm cô mất thăng bằng, các cơ bắp dẻo dai sẽ giúp cô điều chỉnh lại. Tuy nhiên, để giành chiến thắng ở các giải đấu cao nhất, cô phải không ngừng nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân để thực hiện những động tác ngày càng khó hơn.

Chúng ta cũng cần tìm sự cân bằng giữa thử thách và năng lực. Nhờ đó, chúng ta không tự mãn và cũng không bị quá sức, mà thay vào đó là sẽ hào hứng và phấn khích đón nhận thử thách.

Nữ doanh nhân Sarah Blakely - người sáng lập thương hiệu đồ lót tạo dáng Spanx và từng là nữ tỷ phú làm giàu từ tay trắng trẻ nhất thế giới - hiểu rõ điều này hơn ai hết.

Cứ mỗi tối tại bàn ăn, cha đều nói với cô: "Hãy cho cha biết hôm nay con đã thất bại như thế nào". Cha Blakely không nói vậy để làm con gái mình khó chịu. Ngược lại, ông muốn khuyến khích con mình bứt phá các giới hạn và cảm thấy thoải mái, thậm chí là tự hào, khi vấp ngã vì thử sức với những cơ hội mới và khó khăn.

Mục tiêu cuối cùng của sự linh hoạt trong cảm xúc là giúp mọi người có thể nhận ra và vững vàng đón nhận thử thách cũng như nắm bắt các cơ hội phát triển trong suốt hành trình cuộc đời mình. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ tìm thấy những công cụ và kỹ thuật cần thiết giúp bạn bình tĩnh đối mặt với những cảm xúc khó xử lý nhất, để tận hưởng các mối quan hệ nhiều hơn, hoàn thành các mục tiêu đề ra và sống một cuộc đời ý nghĩa.

Nhờ những giá trí hữu ích mà nó mang lại, Vượt bẫy cảm xúc đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất theo thống kê của The Wall Street Journal. Đồng thời, nó cũng nằm trong tốp sách best-seller của tờ USA Today, đoạt giải cuốn sách đáng đọc nhất của năm trên Amazon và giải Ý tưởng đột phá của Thinkers 50.

Người càng giàu càng “keo kiệt” trong 3 chuyện đại sự: Hào phóng không đúng chỗ chỉ khiến bạn nghèo thêm.

Lyn (CafeF)

Vượt bẫy cảm xúc

Thu gọnXem thêm

Với hơn 20 năm nghiên cứu về cảm xúc, vị chuyên gia tâm lý đến từ Khoa Y của Đại học Harvard sẽ chỉ dẫn bạn đọc cách đón nhận cảm xúc linh hoạt và sáng suốt hơn thông qua cuốn sách “Vượt bẫy cảm xúc” (tựa gốc: “Emotional Agility”).

Xem thêm

Review sách