0
Chưa có sách nào trong giỏ hàng

Review sách

Linh ứng – Nguyễn Mạnh Tuấn: ‘Xã hội mà vô đạo thì sẽ mất lý tưởng’

25.02.2022

Tác phẩm mới nhất của ông, Linh ứng, đang gây cơn sốt sách. Thời đại dịch Covid-19, bao ngành nghề khốn đốn, xuất bản càng nguy, vậy mà sách 700 trang người ta bảo cầm lên là khó buông xuống.

Ngồi trong bảo tàng Nhà xuất bản Mai Lĩnh của gia đình nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn ngày đầu xuân này, chúng tôi trò chuyện văn chương, sau khi đã mang trà ngon tới và thắp hương cho anh Khôi - nhân vật liệt sĩ linh thiêng chỉ mới biết qua cuốn Linh ứng, nhưng thành một người như vừa trở về trong cuộc sống hôm nay với lòng kính thương và vui mừng.

* Không biết ông nghe chưa, giới văn chương tổng kết là trong giới viết lách, chỉ có hai ông nhà văn sống được bằng ngòi bút. Đó là Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Mạnh Tuấn. Ông thì ngoài 5 tiểu thuyết lại “vô địch” với rất nhiều kịch bản điện ảnh và phim truyền hình. Hình như ông vẫn chưa hết “hễ xuất hiện là gây bùng nổ”.

Nhớ ngày xưa, hai cuốn sách của ông, Đứng trước biển và Cù lao Tràm gây ra những thảo luận liên miên ở bao tỉnh thành, tranh cãi ác liệt, văn chương mà làm cho xã hội sốt sùng sục lên. Lần này Linh ứng vừa phát hành lại rục rịch tái bản. Thời đại dịch Covid-19, bao ngành nghề khốn đốn, xuất bản càng nguy, vậy mà sách 700 trang người ta bảo cầm lên là khó buông xuống.

- Linh ứng là câu chuyện thật của vợ chồng tôi và gia đình suốt 40 năm tìm mộ người anh trai - liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi, người ra đi từ Hà Nội rồi hy sinh ở chiến trường Svay Rieng (Campuchia). Cuộc hành trình dài trong nhớ thương và kiếm tìm chung thủy gian nan, gặp cả lừa đảo, ly kỳ như thật. Và rồi nhờ sự linh thiêng của liệt sĩ, tài năng khó giải thích của nhà ngoại cảm chân chính mà cuộc tìm kiếm đã thành công, chúng tôi đã tìm thấy anh Khôi ở nghĩa trang liệt sĩ Phước Long.

* Đề tài tâm linh có nhiều nhạy cảm, xã hội còn sự lẫn lộn mê lầm và các vấn đề linh thiêng khó lý giải, hiển hiện khó cãi. Vậy sách ra đời có trục trặc gì không?

- Có lẽ đang qua rồi chuyện “cái gì không hiểu được thì cấm để tránh rắc rối”. Thực tế là bao nhiêu hài cốt của người tù Côn Đảo cũng đã tìm được mà chưa thể giải thích hết. Chuyện kiếm tìm cũng được báo chí, truyền hình đưa lên nhiều sự thật. Cuốn sách này người thật việc thật hoàn toàn. Nhưng khó hơn chuyện tướng Phạm Xuân Ẩn ở chỗ chuyện của ông Ẩn còn có cơ hội người biết đúng, sai, còn câu chuyện tôi viết, nhiều người không còn. Tôi có viết tường trình giải thích giúp cho việc phát hành gửi Cục Xuất bản, NXB Dân Trí và First News Trí Việt về các trang có thể cần hiểu thêm.

Tôi khẳng định mình viết cuốn sách với tinh thần trách nhiệm cao, và trước thực tế là khi khoa học chưa đủ chứng minh thì những người ngoài cuộc không tin cũng là điều bình thường. Trong tác phẩm tôi cũng nhắc lời nhà ngoại cảm trả lời trước hoài nghi của chúng tôi: “Tin thì có, mà không tin cứ coi như không có” để người đọc nếu không tin thì coi cuốn sách như tác phẩm giải trí.

* Mà sao viết tới 700 trang, ông không sợ thị trường sao?

- Tôi dự tính viết khoảng 300-400 trang thôi, tôi không muốn viết nhiều thế và cũng không để ý viết bao lâu. Thời dịch Covid nữa, sợ người ta không đọc. Không ngờ họ đọc hết, có lẽ vì trong đó ngoài chuyện tâm linh như một lát cắt, còn có nhiều đề tài, khi viết tôi bị cuốn đi. Cuốn sách như có 5 truyện vừa, trong đó có lịch sử, chiến tranh, nhân văn và Hà Nội ngồn ngộn một thời, không chỉ gian khổ, mà đó là một thời đẹp của thế hệ ta. Ta đã lên bờ xuống ruộng mới ra ta hôm nay.

Còn nói về văn chương xưa nay, người thích người không thích là chuyện muôn đời. Và “hữu xạ tự nhiên hương” cũng không có nữa, phải tìm nơi xuất bản của người biết thích nghi thị trường.

* Không biết có phải vì tôi là người theo đuổi viết thể loại phi hư cấu (non fiction) nên tôi cảm nhận nỗi buồn chiến tranh từ Linh ứng đau đớn hơn, trực tiếp hơn trong các tiểu thuyết. Ông viết có bị ám ảnh không?

- Tôi mong muốn viết đã lâu rồi. Tôi là người trong cuộc, từng sống trong sự thật đáng sợ. Sao những người xuất sắc của chúng ta hy sinh nhiều thế. Tôi bị ám ảnh ân hận bao năm qua rồi mà cứ nhớ lại lần cuối tiễn anh tôi ra chiến trường, trong túi có ít tiền cho anh nhưng đến giờ tôi vẫn bị day dứt: “Sao hôm đó mình không đưa tất cả cho anh?”. Tôi cảm thấy ý thức thời hậu chiến có khi đáng sợ hơn chiến tranh. Nợ trả đến bao giờ cho hết. Nhân vật Danh Quỳnh trong sách nói: “Nợ những người thân kiếp sau cũng không trả hết cho cuộc chiến này”, nhiều người đã hy sinh cả nhà cho chiến thắng.

* Trong Linh ứng, những phố Hà Nội, ngôi trường, bến phà… mà anh Khôi sống cũng là phố thời thơ ấu tôi trải qua, nên đọc xúc động lắm. Tôi tin là nhiều người Hà Nội đi xa đọc sẽ nhớ thương rơi nước mắt. Tôi cũng chứng kiến thế hệ lãng mạn, lý tưởng, yêu Pavel Korchagin của chiến tranh vệ quốc Liên Xô nên đọc sách, đi tìm được anh Khôi, tôi thấy anh Khôi không chỉ là nhân vật văn chương, anh đã trở về thật rồi…

- Tôi hay “kiểm lại” đời anh Khôi - một cuộc đời rất nhiều khát vọng và sống rất lý tưởng, không tính toán cá nhân. Một bạn đọc ở Mỹ về chơi, nói: “Em đã đọc như bị bỏ bùa mê. Trước em cứ nghĩ sống tốt đẹp thường dại dột thiệt thòi, nay đọc xong sách, thấy vẫn phải sống tốt đẹp, không thể nghĩ khác”.

* Ông không chơi mạng xã hội nhưng đọc rất nhiều, theo sát cuộc sống và thời sự văn chương lắm phải không?

- Có nhà văn nào “ló ra” là tôi đọc ngay. Sách nào có tiếng vang là mua ngay. Nhưng Muôn kiếp nhân sinh tôi đọc khó vào. Ocean Vương đọc cũng không dễ. Có lẽ do cảm xúc xã hội khác nhau. Tôi đã từng viết kịch bản phim cho Holywood. Họ đặt làm kịch bản phim Nước mắt phương xa, tôi viết tiếng Việt, một cô sinh viên 30 tuổi dịch sang tiếng Anh. Khi triển khai làm phim, họ lại thuê một bà Việt kiều dịch, toàn người giỏi. Vậy mà khi tôi đọc so lại thấy hai người đó dịch lại khác nhau. Đó mới chỉ là lời thoại mà đã khác rồi. Tôi và Hà Phương (vợ nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn – chú thích của biên tập viên) phải bay sang Philippines để chỉnh lại. Đó là do cảm xúc xã hội rất khác nhau.

Ngay như trong Linh ứng có những từ Bắc phải chú thích vì người tiếp nhận khác nhau về cảm xúc. Để chinh phục người xem, tôi có kinh nghiệm: Tuổi trẻ cần có chuyện tình yêu và lý tưởng. Xã hội mà vô đạo sẽ mất lý tưởng.

Các nhà văn trẻ của ta cũng có nhiều bạn giỏi ló ra nhưng không được giới thiệu nên đã chìm đi. Nghe như Huy Tín viết về lứa sinh viên thành lính chiến Quảng Trị, viết về chiến tranh đáng đọc lắm. Thời tôi xưa với lứa nhà văn kiểu Lý Lan, Đông Thức… và nhiều nữa, thường ra sách là hội thảo, tranh cãi, giới thiệu, gây được hiệu ứng với xã hội say mê, giờ không có được nữa.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn trong bảo tàng NXB Mai Lĩnh (Ảnh chị Bích Ngân chụp Tết Nhâm Dần 2022).

* Đặc tính sáng tác của Nguyễn Mạnh Tuấn là gì?

- Là bám sát biến động xã hội và quan tâm đến người đọc. Tôi nhớ khi tôi bắt đầu bước sang lĩnh vực làm phim thì nhà văn Tô Hoài khuyên đừng làm phim (Đó là thời tôi về Hà Nội có dự lớp sáng tác trại viết cho những người viết nghiệp dư và Tô Hoài đến giảng). Lý do ông khuyên tôi đừng làm phim và cả viết báo nữa, là vì ông sợ nó phá văn chương. Nhưng tôi nghĩ đơn giản, mình trình bày cái gì mới là vấn đề, và làm phim viết báo thì có cơ hội để bày tỏ mình. Tôi vẫn viết báo nhiều, có cơ hội là phải viết. Báo chí sát đời sống, rất cần thông tin nóng, phóng sự, nhờ thế vốn sống của mình được nạp đầy.

Ngày xưa lẽ ra tôi đã không trở thành nhà văn đâu. Tới khi đọc một truyện ngắn của bạn là công nhân Nhà máy dệt 8-3, tôi mới nghĩ mình cũng viết được. Rồi do một truyện ngắn được giải mà tôi chuyển về Hà Nội và phát hiện mình phải đi, phải viết. Tôi xung phong đi nhiều lắm, vào các đoàn xe đi Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Tôi nghĩ đi nhiều để có vốn sống, dù chiến tranh ác liệt, nhất là Lâm trường Hương Sơn (Hà Tĩnh), ngã ba Đồng Lộc. Tôi từng là thanh niên xung phong, về công tác ở Tổng cục lâm nghiệp tại Đông Triều (Quảng Ninh), trải qua nghề sửa chữa ôtô…

Tuổi trẻ cần có chuyện tình yêu và lý tưởng. Xã hội mà vô đạo sẽ mất lý tưởng.

* Linh ứng đã là tác phẩm đồ sộ cuối cùng của ông chưa?

- Chưa biết. Tôi còn một món nợ nữa về Hương Sơn, Hà Tĩnh.

* Viết văn thuở Đứng trước biển… và viết văn ngày nay trong cảm xúc ông có khác biệt lắm không? Ông hình dung về người đọc mới của mình thế nào ?

- Tôi nghĩ tuổi tuy già đi nhưng viết văn thì không có gì thay đổi mục đích: Viết vì sự tích cực của xã hội nên vẫn máu lửa.

Về người đọc mới, tôi nghĩ cuộc sống hôm nay không chỉ người trẻ mà cả người già cũng chịu sự biến động, thay đổi rất lớn. Toàn bộ các lĩnh vực chính trị, khoa học công nghệ, kinh tế kỹ thuật biến đổi nhanh, tích cực và tiêu cực đan xen nên con người phải thay đổi liên tục. Tụi mình viết văn là đóng góp cho xã hội chịu khó điều chỉnh.

Với người đọc trẻ, tôi thấy phim của tôi làm có rất đông khán giả trẻ. Tuổi trẻ thì có tình yêu và có lý tưởng. Đó là nền móng tinh thần. Thế hệ trẻ nhiều khi không quan trọng phải chính trị hóa lý tưởng, mà họ cần biết khát vọng muốn vực lên, tham gia làm cho xã hội tốt đẹp. Nó rất rộng và cởi mở.

Nguyễn Mạnh Tuấn là cháu gọi nhà thơ yêu nước Nguyễn Văn Phong là cụ ngoại. Cụ là thành viên Đông kinh nghĩa thục, bị đày biệt xứ tại Guyam (Nam Mỹ) sau vượt ngục về hoạt động tại Bạc Liêu. Cụ khởi xướng Nhà xuất bản Mai Lĩnh - nơi cho ra đời các tác phẩm kinh điển thời tiền chiến như Tắt đèn, Lều chõng của Ngô Tất Tố; Số đỏ, Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng; Tàn đèn dầu lạc của Nguyễn Tuân và 150 tác phẩm khác lưu trữ tại Thư viện quốc gia. Ông Nguyễn Hữu Lược, cha của Nguyễn Mạnh Tuấn, là người điều hành nhà xuất bản này.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Theo Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Linh ứng

Thu gọnXem thêm

Một câu chuyện riêng tư nhưng lại bao hàm biết bao câu chuyện chung khác. Tác phẩm cũng cung cấp những tư liệu quý giá về những nhà ngoại cảm sở hữu năng lực nằm ngoài phạm vi lý giải của khoa học.

Xem thêm

Review sách