0
Chưa có sách nào trong giỏ hàng

Review sách

Một cơn sóng gió sẽ có lợi nếu ta biết tận dụng thời cơ: Bài học về việc nhận biết cơ hội

17.11.2020

Trích dẫn cuốn sách "Câu Chuyện Ly Kỳ Từ Cậu Bé Giao Báo"

Ty Chandler chạy bộ qua những con đường im lìm trong khu dân cư nhà mình, vòng quanh công viên có vọng lâu nhỏ và những lối đi kết nối bảy con đường của khu Hampton Squares lại với nhau. Ty từng tham gia đội điền kinh của trường cho đến tận năm ngoái, khi cậu quyết định tập trung học hành và nộp đơn vào năm trường đại học hàng đầu trong danh sách những ngôi trường mà cậu mơ ước.

Năm học lớp mười hai của Ty sắp khai giảng, như vậy tức là cậu chỉ còn vài tháng để tạo ấn tượng tốt với hội đồng tuyển sinh các trường đại học trong nhóm Ivy League[1] danh giá. Thế nên chẳng có gì lạ khi cậu thức dậy trước bình minh và chạy biến tốc qua những con phố im ắng ở Sunnydale, Georgia.

Ty chạy đoạn nước rút cuối cùng quanh công viên rồi dừng lại, khom người để thở lấy hơi. Sau khi đứng dậy vươn vai, cậu tận hưởng khung cảnh bình yên trước mắt: con đường rợp bóng cây với những ngôi nhà còn chưa sáng đèn - đó là nhà của những người lao động như cha mẹ cậu và người về hưu giống mấy người hàng xóm của cậu.

Đây là nơi mà Ty đã trải qua thời thơ ấu tươi đẹp - chơi bóng trên đường phố, tập xe đạp trên những vỉa hè rộng rãi, cắm trại trong công viên và trải nghiệm nụ hôn đầu dưới mái vọng lâu. Nhưng bây giờ đã đến lúc Ty tạm biệt tuổi thơ và tập trung vào thử thách trước mắt: được nhận vào một trường đại học danh giá và bắt đầu chương kế tiếp của cuộc đời với tư cách sinh viên năm nhất.

Ty không còn bao nhiêu thời gian để hoàn thành nhiệm vụ này. Ngoài việc đánh bóng học bạ với điểm chuyên cần tuyệt đối trong năm cuối cấp, duy trì học lực giỏi và tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, cậu còn cần tiền để học đại học nữa. Như thế nghĩa là cậu phải tìm việc làm thêm mới.

Suốt mùa hè Ty đã làm việc ở rạp phim trong khu trung tâm, phụ trách xé vé, phục vụ bắp rang và soda; thế nhưng khi vào năm học, người quản lý cho một nửa số nhân viên nghỉ việc, trong đó có Ty. Cậu bắt đầu tìm việc làm thêm khắp thị trấn kể từ lúc đó, nhưng như vậy là chậm chân rồi. Tất cả những việc làm thêm thông thường - nhân viên dọn bàn ăn, bồi bàn, nhân viên gói hàng trong tiệm tạp hóa và thu ngân - đều đã có người giành trước.

Khi vòng qua đường Summer để đi tắt về nhà, Ty nghe tiếng ai đó đang cằn nhằn qua điện thoại. Đó là một người đàn ông đang đứng dưới ngọn đèn đường. Trước mặt ông ấy là một chồng báo được xếp lại, và cạnh đó là một chiếc túi đeo chéo nhàu nhĩ có in dòng chữ Thời báo Sunnydale Sentinel.

“Tôi không làm nữa”, người đàn ông nói vào điện thoại. “Hết tuần này họ sẽ phải kiếm người giao báo mới. Này, tôi sẽ gọi cho anh sau. Để tôi giải quyết mớ báo cuối cùng này cho xong đã.”

Sau khi người đàn ông cúp máy, Ty đến gần ông ấy. “Chú ơi”, Ty khẽ gọi.

Người đàn ông giật mình. Ông đã ngoài bốn mươi, trạc tuổi cha của Ty, dáng người gầy gò, mái tóc xoăn lòa xòa bên dưới chiếc mũ lưỡi trai tả tơi có in dòng chữ Sunnydale Sentinel. “Ôi trời, nhóc làm chú giật mình đấy”, ông nói.

 “Cháu xin lỗi”, Ty nói và bước ra ánh sáng của ngọn đèn đường. “Cháu vô tình nghe là chú có thể… nghỉ việc ạ?”

“Không phải có thể”, người đàn ông nói. “Đây là tuần làm việc cuối cùng của chú.” Người đàn ông nhìn Ty, toét miệng cười và hỏi, “Sao thế, cháu thấy hứng thú à?”.

“Có thể ạ”, Ty đáp lời. “Lương thế nào vậy chú?”

“Không là bao”, người đàn ông càu nhàu và bắt đầu nhét báo vào chiếc túi giao báo của mình. “Và càng ngày càng thảm hơn.”

“Nhưng không là bao cụ thể là bao nhiêu hả chú?”, Ty hỏi.

“Mỗi nhà trả sáu đô-la một tuần. Chú được giữ một nửa số tiền đó.”

Ty chau mày nghĩ ngợi. Người đàn ông đã nhét xong báo vào trong túi - có vẻ chưa tới một chục tờ. “Đó là tất cả số báo chú giao hôm nay ạ?”

“Ừ”, người đàn ông trả lời rồi đứng dậy và quàng chiếc túi lên vai. “Chú phụ trách toàn bộ khu dân cư Hampton Squares, nhưng khu này có chưa đến mười nhà còn đặt báo dài hạn.”

Ty nhẩm tính: chú giao báo chỉ kiếm được ba mươi sáu đô-la trong tuần đó. Chẳng trách chú ấy lại bỏ việc! Ty có thể kiếm được số tiền đó chỉ với một ca làm ở rạp phim, mà cậu lại còn được xem phim miễn phí nữa.

“Nhưng khu này có đến bảy con đường lớn mà chú!”, Ty nói.

Người đàn ông mỉm cười. “Ừ, có hơn hai trăm hộ dân. Nhưng mà nhóc à, đây là báo giấy đó.”

“Thì sao ạ?”

“Lần cuối cháu đọc báo giấy là khi nào hả?”

Ty nhăn mũi. Việc này hệt như hỏi lần cuối cậu dùng điện thoại công cộng là khi nào vậy. “À… báo giấy ấy ạ?”

“Đúng ý chú muốn nói rồi đấy”, người đàn ông bật cười. “Chẳng còn ai đọc báo giấy nữa nhóc à. Thị trường báo giấy suy tàn rồi.”

Ty lắc đầu, nhìn đi nhìn lại con đường nhà mình, rồi lại nhìn ba con đường quanh đó. Khu này có hơn hai trăm hộ gia đình, và mỗi hộ đều là một khách hàng tiềm năng. Nếu có thể bán gói đặt báo Sunnydale Sentinel dài hạn cho tất cả họ thì cậu sẽ kiếm được sáu trăm đô-la một tuần.

Số tiền đó nhiều gần gấp ba lần tiền công ở rạp phim. Ty nhận ra là chú giao báo sắp nghỉ việc này chỉ chăm chăm để ý tới lợi nhuận nên đã bỏ lỡ những cơ hội và khả năng lớn hơn.

“Vậy là thời cơ tới rồi”, cậu nói. “Nếu chú thật sự nghỉ việc thì cháu nhận việc này được không ạ?”

“Đương nhiên rồi, nhóc. Sáng mai gặp chú ở đây nhé, cũng giờ này, và đưa sơ yếu lý lịch cho chú. Chú sẽ nộp lên trên xem sao. Nhưng chú khá chắc là cháu sẽ nhận được công việc này.”

“Thế nghĩa là sao ạ?”

“Tòa soạn Sentinel thật sự đang khổ sở tìm người giao báo”, người đàn ông tiết lộ khi ngồi vào chiếc ô-tô cà tàng có gắn thêm khoang chở đồ đang đậu bên

lề đường. “Có khi họ còn thuê cháu trước cả khi chú nghỉ việc nữa đó.”

“Thế thì có vấn đề gì không chú?”, Ty hỏi.

“Thế là giúp chú rồi đấy, nhóc”, người đàn ông nói, kèm theo cái phẩy tay mệt mỏi trước khi lái xe mất hút vào bóng đêm tờ mờ.

Ty dõi theo ánh đèn xe lao vụt đi, lòng bồn chồn mong đợi. Cậu đã không nói cho chú giao báo biết là, khác với chú ấy, cậu lớn lên ở khu Hampton Squares. Đúng là những dãy phố ở đây rất tĩnh lặng, nhưng như thế lại có lợi cho cậu. Một nửa số dân cư trong khu này là người đã về hưu. Họ có thể dành cả ngày dài để nhàn nhã đọc báo trước hiên nhà hoặc sau hè, trong phòng khách hay bên bàn ăn sáng yên tĩnh nhà mình.

Tờ báo có tất cả những gì họ cần để tận hưởng quãng đời hưu trí: các mẩu chuyện bốn phương trong mục Du lịch, những bài phê bình phim ảnh trong mục Nghệ thuật & Giải trí, và hàng chục cơ hội làm việc tình nguyện được đăng hàng tuần trong mục Tin địa phương.

Những cư dân còn lại thuộc lực lượng lao động, giống như mẹ Ty. Nhưng dù vậy thì trong báo cũng có những thứ họ cần: chương trình khuyến mãi hàng tuần dành cho xe ô-tô mới, quảng cáo tuyển dụng cho những ai muốn đổi việc, và mục rao vặt để tìm mua máy rửa chén thay thế cho cái cũ hoặc tìm thợ sửa chữa thời vụ nếu bồn rửa nhà mình bị rỉ nước.

Chú giao báo quả quyết với Ty là ngành này đang suy tàn. Có lẽ tình hình bán báo của ông ấy cũng vậy. Ty có thể hình dung cảnh người đàn ông tội nghiệp lê bước từ nhà này sang nhà khác. Lời mời chào điển hình của ông hẳn sẽ là, “Ông bà thật sự không cần mua báo sao?”. Tất cả những gì Ty cần làm - nếu cậu được nhận - là thuyết phục khách hàng của mình tin rằng tờ báo tượng trưng cho cơ hội, và giá trị họ có thể nhận được chỉ với sáu đô-la một tuần lớn đến nhường nào. Ngày nay, chừng đó tiền còn không bằng một tách cà phê hàng ngày nữa!

Xét đến mong muốn kiếm được nhiều tiền hết mức có thể trước khi vào đại học, và xét tình trạng khan hiếm việc làm thêm dành cho những đứa trẻ trạc tuổi Ty trong năm học, đây hẳn là phương án lựa chọn duy nhất mà cậu có.

Ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành cậu bé giao báo - và sẽ là cậu bé giao báo giỏi nhất khu Hampton Squares từng có. Còn hiện tại thì cậu chỉ cần tìm hiểu xem sơ yếu lý lịch là cái gì trước sáng mai.

“Tôi đến Ấn Độ năm 1996 và thấy quốc gia này đã sẵn sàng dấn bước vào lĩnh vực phần mềm. Hồi còn ở Viện Công nghệ Massachusetts, tôi đã viết một bài bình luận độc lập về việc Ấn Độ có thể trở thành một siêu cường quốc về phần mềm như thế nào, và đó là năm 1989. Tôi nhận thấy thời cơ đang đến - Bill Gates sắp sang Ấn Độ lần đầu tiên. Và đây là cơ hội để khẳng định vài điều: ngoài châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, vẫn còn một thị trường cho phần mềm của Microsoft, và Bill cần thấy được điều đó. Nhưng quan trọng hơn thế, Microsoft là công ty chuyên về nền tảng, và lập trình viên chuyên về nền tảng là cực kỳ quan trọng.

Khi đến Ấn Độ, Bill thấy được điều đó, Bill thấy được năng lượng và sự nhiệt tình, và kết quả là một trung tâm phát triển phần mềm được thành lập. Tôi nghĩ, vậy là hồi chuông báo hiệu đã vang lên ở cả hai cấp độ cung và cầu, như một phần trong chuỗi cung ứng phần mềm. Đây là thời điểm phù hợp. Sự kiện Bill Gates đến Ấn Độ lần đầu tiên năm 1997 đã thu hút rất nhiều sự chú ý, và chính trị gia nào cũng nói về chuyện này trong bài diễn thuyết của mình. Rồi lúc đó sự cố máy tính năm 2000 sắp xảy ra, và người ta nhận ra cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là nhờ một công ty phần mềm hỗ trợ. Đó là một cơn sóng gió có lợi, nếu ta biết tận dụng thời cơ.”

– Sanjay Parthasarathy, CEO của công ty dữ liệu Indix

Nhập mã FHSFN10 giảm thêm 10k khi mua sách "Câu Chuyện Ly Kỳ Từ Cậu Bé Giao Báo" tại: http://bit.ly/caubegiaobao-fhs. Thời gian sử dụng đến ngày: 30/11/2020.

Trạm Đọc trích đăng 

CÂU CHUYỆN LY KỲ TỪ CẬU BÉ GIAO BÁO

Thu gọnXem thêm

"Câu chuyện ly kỳ từ cậu bé giao báo" phù hợp với những ai đang mong muốn tìm kiếm hướng đi tốt hơn để phát triển doanh nghiệp, đạt được thành công trong kinh doanh. Cuốn sách cũng truyền cảm hứng và phù hợp với những nhà khởi nghiệp giàu quyết tâm.

Xem thêm

Review sách