0
Chưa có sách nào trong giỏ hàng

Review sách

[Review Sách] "Tư Duy Tối Ưu": Nâng Cao Chất Lượng Cuộc Sống Và Tập Trung Vào Những Điều Quan Trọng Nhất Của Đời Mình

05.11.2019

Chúng ta đang sống trong trong thời đại mới, thời đại của những con số. Chúng nhảy liên tục và bắt buộc chúng ta phải gồng mình lên để bắt kịp theo những thay đổi, những tri thức, về mọi thứ đang diễn ra xung quanh chúng ta. Chính vì vậy mà hầu như trong chúng ta đang lựa chọn con đường tắt, tìm mọi cách để đốt cháy giai đoạn. Nhưng bạn biết đấy, bạn sẽ có được những thành công trước mắt nhưng hãy nghĩ lại xem, liệu chất lượng cuộc sống của bạn sẽ như thế nào sau 5 năm, 10 năm… Qua bài review quyển sách Tư duy tối ưu – First Things First của Stephen R. Covey, mình hy vọng chúng ta, những người trẻ, đừng quá hấp tấp mà hãy từng bước từng bước chinh phục cuộc sống, vì chất lượng cuộc sống không phải là thứ có thể đạt được bằng sự nóng vội.

Một cuộc sống có ý nghĩa không phải là vấn đề tốc độ nhanh hay chậm hoặc hiệu suất cao hay thấp. Vấn đề là bạn đang làm gì và vì sao bạn làm điều đó, chứ không phải bạn làm nhanh tới mức nào.

Tôi cần nhiều thời gian hơn? Tại sao một ngày chỉ có 24 giờ đồng hồ, công việc vẫn chưa đâu vào đâu cả? ....Đó là những câu hỏi mà không ít người thường xuyên thốt lên, ca cẩm rằng kho thời gian của mình quá hạn hẹp, deadline thì vẫn dí sát chân, dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể hoàn thành tốt được. Bạn biết vì sao không? Vì cách quản lý thời gian của bạn và mình đang áp dụng không còn phù hợp nữa. Thế giới này sẽ ném cho bạn một chiếc đồng hồ và bạn sẽ là người phân chia thời gian để làm việc. Nhưng thế vẫn chưa đủ, bạn cần phải có định hướng nhất định chứ không thể cứ để mọi thứ trôi tuột, diễn ra theo cái cách mà bạn đang nghĩ là “suôn sẻ”. Một chiếc la bàn sẽ không tệ đâu! Khi bạn đang tìm phương hướng, định hướng chính bản thân và lương tâm của mình hãy nhớ đến chiếc la bàn này.

Phần I: Chiếc đồng hồ và cái la bàn

Nhiều năm trở lại đây, hàng loạt những quyển sách, những ứng dụng, những lịch công tác thay nhau xuất hiện ồ ạt trên thị trường – phản ánh một thời đại quá nóng bỏng và đầy ấp những áp lực. Chúng ta luôn ra sức tìm phương hướng để giải quyết vấn đề, và rồi các thế hệ thứ nhất, thứ hai, thứ bar a đời. Mỗi thế hệ đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Nhưng suy cho cùng, điều chúng ta cần phải xác định đâu là việc quan trọng nhất và ưu tiên thực hiện trước tiên.

Về thế hệ thứ nhất, việc quan trọng nhất chính là những việc trước mắt.

Về thế hệ thứ hai, việc quan trọng nhất là những việc nằm trong kế hoạch làm việc.

Về thế hệ thứ ba, việc quan trọng nhất được xác định bởi tính khẩn cấp và giá trị.

Những tưởng rằng thế hệ ba là một thế hệ lý tưởng, thế hệ được hi vọng là sẽ giải quyết được mọi tồn đọng còn lại của những thế hệ trước nhưng thật đáng tiếc, nó vẫn chưa được xem là lý tưởng. Như Albert Einstein từng nói: “Những vấn đề quan trọng mà chúng ta phải đương đầu không thể giải quyết được bằng chính cái trình độ tư duy đã tạo ra những vấn đề đó”. Nếu chúng ta vẫn cứ giữ lối làm việc từ trước đến nay, thì chắc chắn chúng ta sẽ chỉ nhận được những thứ chúng ta đang có mà thôi. Sự tiến hóa thôi vẫn chưa đủ, chúng ta cần một cuộc cách mạng lớn trong tư duy. 

Chúng ta cần có một cuộc cách mạng, chứ không phải chỉ là sự tiến hóa. Chúng ta cần vượt lên trên quản trị thời gian để đến với sự lãnh đạo cuộc sống – một thế hệ quản trị thời gian thứ tư dựa trên các mô thức sẽ tạo ra những kết quả của một cuộc sống có chất lượng.

Tính quan trọng và tính khẩn cấp, không khéo bạn đang bị nhầm lẫn. Nhiều người bạn của mình có một thói quen rất kỳ quái – đó là thích bị chịu áp lực. Mà theo mình, thực sự là một việc làm không mấy hay ho gì khi chúng ta đang cố gắng xây dựng và nâng cao chất lượng sống của mình. Họ nghĩ rằng, càng bận rộn sẽ càng chứng tỏ họ là người quan trọng, là người tài giỏi. Dần dà, họ xem những thứ áp lực đó là mục tiêu, là thước đo để họ buộc phải hoàn thành công việc. Covey đã đưa ra một luận điểm rất đúng khi ông nói rằng những thứ chúng ta coi là “những điều quan trọng nhất” thật ra chỉ là những việc khẩn cấp. Vì thế mà chúng ta sẽ mãi mắc kẹt trong cái vòng lẩn quẩn, để đến một lúc chúng ta phải nhìn lại và ngán ngẩm thốt lên rằng liệu đó có phải là điều quan trọng nhất và chúng ta phải bán sống bán chết làm cho bằng được? Chiếc đồng hồ tạm thời tượng trưng cho những việc cấp thiết – bắt buộc phải giải quyết nhanh chóng, còn chiếc la bàn – sẽ định hướng đâu là việc quan trọng mà chúng ta cần làm, mà đã là việc quan trọng thì phải giải quyết một cách cẩn thận, từ từ, chúng ta thực sự cần thời gian để giải quyết những điều quan trọng.

Tóm lại, ở phần một, ông Covey muốn chỉ ra người đọc hiểu rằng: sức mạnh để tạo nên một cuộc sống chất lượng không nằm ở những bản kế hoạch cá nhân, cũng không nằm trên các bảng biểu, ứng dụng quản trị thời gian. Chúng ta không ai có thể biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra, công nghệ dù có thông minh đến đâu thì cũng luôn có những giới hạn nhất định. Để cuộc sống chất lượng, chúng ta cần cố gắng trong việc phát triển bản thân và phát huy chiếc la bàn nội tâm của mình vào đúng thời điểm.

Phần II: Giữ cho điều quan trọng luôn là quan trọng

Trong phần này, chúng ta sẽ cùng nhau học cách chuyển những việc có tính “khẩn cấp” sang những việc “quan trọng”. Với quy trình 30 phút mỗi tuần, chỉnh đồng hồ phù hợp với hướng của la bàn. Cụ thể:

-          Làm thế nào để ta nhận diện được sứ mệnh và tạo lập nên một viễn cảnh tương lai mạnh mẽ đem lại ý nghĩa và mục đích trên thực tế.

-          Làm thế nào để tạo ra sự cân bằng và hiệp lực giữa các vai trò khác nhau.

-          Làm thế nào xác lập và đạt được mục tiêu dựa trên các nguyên tắc.

-          Làm thế nào để giữ vững quyết tâm ưu tiên những điều quan trọng nhất.

-          Làm thế nào để hành động chính trực vào những thời khắc quyết định.

-          Làm thế nào để cải thiện và không ngừng đi lên trong học tập và trong cuộc sống. 

Có thể bạn muốn làm điều đúng, và bạn muốn làm điều đó vì những lý do xác đáng. Nhưng nếu bạn không áp dụng các nguyên tắc đúng đắn, thì bạn vẫn có thể húc đầu vào tường.

Với những ví dụ điển hình kèm theo cách giải thích dễ hiểu, người đọc sẽ dễ dàng thực hành thông qua những bảng biểu cũng như những bài trắc nghiệm ngắn. Ở phần này, mình đặc biệt thích phần cuối cùng, đề cập đến việc học hỏi từ cuộc sống. Không điều gì tuyệt vời hơn khi bạn và thế giới xung quanh cùng hòa vào nhau, lắng nghe hơi thở của nhau.Chúng ta vẫn quen với việc hoạt động theo một khuôn mẫu, theo một lịch trình đã được sắp xếp sẵn, ngày ngày lặp đi lặp lại, thật vô cùng tẻ nhạt. Đó là vì chúng ta không chủ động học hỏi từ cuộc sống của chúng ta. Mỗi tuần làm việc trôi qua không chỉ dừng lại ở việc chúng ta hoàn thành các công việc, mà qua đó ta cần nhìn lại xem cái gì được, cái gì chưa được, để những thời gian tiếp theo không được mắc lại những lỗi tương tự như vậy nữa. Chúng ta cần phát huy bốn năng lực cơ bản của mỗi người: sống, yêu thương, học tập và để lại một di sản, kết hợp tổng thể giữa chúng để có được bước chuyển mình mang tính chất một cuộc cách mạng từ làm nhiều việc trong thời gian ngắn sang làm những điều quan trọng hơn một cách hiệu quả.

Phần III: Sức mạnh của sự đồng tâm hiệp lực

Chất lượng cuộc sống nếu xét về bản chất thì nó sẽ mang tính tương thuộc. Từ vai trò, thành tích, ngay cả sự thỏa mãn các nhu cầu cơ bản và các năng lực của chúng ta đều mang tính tương thuộc. Đến đây, chắc nhiều bạn sẽ có ý kiến không đồng tình lắm khi bạn cho rằng nếu tự thân mình cũng có thể thành công. Mình thực sự không phủ nhận nhưng nếu xét về tổng thể thì hầu như mọi việc đều cần đến sự đồng tâm hiệp lực. Sống, yêu thương, học tập và để lại di sản đều mang tính tương thuộc, đều gắn chúng ta với xã hội này. Nhờ mối quan hệ này mà chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn thay vì chỉ đơn độc sống một mình. Mà bạn có bao giờ nghĩ về cái giá của mô thức độc lập chưa? Nó khiến chúng ta vội vã sống, vội vã yêu thương, vội vã trong học tập và vội vã để lại một di sản danh nghĩa. Chính điều này đã tác động đến cuộc sống của chúng ta, dẫn đến sự mất cân bằng trong xã hội. Đừng lo lắng vì chúng ta hoàn toàn có thể xử lý chúng bằng khả năng thiên phú của mình:

-        Chúng ta có khả năng tự nhận thức: nhờ vậy ta hiểu được nhận thức của người khác, ta biết cách lắng nghe trái tim mình và lắng nghe tiếng nói từ trái tm đối phương, chúng ta không còn giới hạn trong những ý tưởng của bản thân mà sẽ biết lắng nghe suy nghĩ của người khác, chúng ta coi nhược điểm của người khác là cơ hội để ta giúp đỡ, yêu thương.

-          Chúng ta hiểu rõ lương tâm của mình để biết mình phải làm gì với lương tâm của tập thể.

-          Chúng ta thông qua ý chí độc lập của mình, phấn đấu có được ý chí tương thuộc.

-          Chúng ta có thể đóng góp trí tưởng tượng sáng tạo của mình cho quá trình tạo ra sự hiệp lực sáng tạo.

Hiểu được vai trò của sức mạnh đồng tâm hiệp lực, bạn sẽ có được cho mình những mối quan hệ phong phú, chúng ta sẽ cùng nhau làm việc và đạt được những thành tích tốt nhất trên cơ sở của việc đồng tâm. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra phương án, tìm ra những điều quan trọng nhất và đưa chúng ta diện ưu tiên. Sức mạnh đồng tâm không chỉ đơn thuần là anh và tôi sẽ cùng nhau làm việc này, việc khác mà nó còn phải dựa trên sự đồng cảm, tin tưởng lẫn nhau, cùng nhay thắng.

Phần IV: Sức mạnh và sự bình yên của lối sống dựa vào nguyên tắc

Ở phần cuối cùng này, ông Covey nhắc đến sức mạnh – sự bình yên – nguyên tắc. Vậy chúng là gì và có tác động với nhau như thế nào?

Sự bình yên – nó không phải là sự thư thái khi bạn lái xe ra vùng ngoại ô, nơi có dòng suối mát, và những hàng cây xanh thắm mà sự bình yên ở đâu là biểu hiện trong cuộc sống nội tâm của chúng ta. Một cuộc sống tràn đầy niềm vui ngay trong cuộc sống hiện tại chứ không phải là sự rút lui, xa rời. Cuộc sống này luôn tạo ra những nguyên tắc, còn trong chính chúng ta có lương tâm. Khi kết hợp hai điều này, nội tại chúng ta sẽ vô tình tạo nên một nguồn lực tác động đến suy nghĩ và cách chúng ta nhìn ra thế giới. Đừng có tạo ra áp lực hay kỳ vọng quá sức với bản thân, để rồi cảm thấy hụt hẫng vì không thể vượt qua rào cản do chính bản thân mình tạo ra. Một người dựa vào nguyên tắc sẽ trở nên linh hoạt và chủ động hơn, bạn sẽ không còn bị lệ thuộc vào những kế hoạch và lịch trình đã được sắp đặt sẵn. Bạn sẽ có các mối quan hệ phong phú hơn, sống đồng tâm hiệp lực, học hỏi nhau, cùng nhau phấn đấu học tập, cống hiến hết mình… và cuối cùng là hưởng trọn từng phút giây tận hưởng cuộc sống này. 

Mỗi quyết định chúng ta đưa ra đều là quan trọng. Một số quyết định có thể được xem là nhỏ, nhưng trên thực tế khi các quyết định đó gộp lại với nhau sẽ hình thành thói quen của con tim, dẫn chúng ta đến một số phận nhất định.

Lời kết

Không gì có thế đem lại sự bình yên cho bạn trừ bản thân bạn. Không gì có thể đem lại sự bình yên cho bạn trừ sự chiến thắng của các nguyên tắc.

(Emerson)

Tư duy tối ưu của Stephen R. Covey đưa cho chúng ta một thông điệp rất hay nhưng sẽ rất khó để thực hiện trong bối cảnh mọi người đang quay cuồng theo guồng máy của công việc. Chúng ta đang sống quá nhanh, chúng ta nghĩ rằng không còn thời gian để thay đổi, lựa chọn một con đường mới trong việc tìm ra giải pháp giải quyết công việc trong cuộc sống. Sẽ khó để có thể thay đổi lối tư duy của một ai đó, nhưng mình tin rằng, khi bạn quan tâm đến bài viết này, và quan tâm đến quyển sách này, chứng tỏ, mình, bạn và tác giả - chúng ta thực sự có một tâm hồn đồng điệu, chúng ta thực sự muốn thay đổi vì một chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn và tập trung vào những điều quan trọng nhất thay cho những điều khẩn cấp nhất.

Review chi tiết bởi Anh Thi – Bookademy

Theo Ybox

Tư duy tối ưu

Thu gọnXem thêm

Cuốn sách này trình bày một phương pháp quản trị thời gian hiệu quả nhất - quan điểm dựa vào nguyên tắc. Khác với phương pháp quản trị thời gian truyền thống rằng nếu làm việc với hiệu suất cao hơn, thì cuối cùng bạn sẽ kiểm soát được cuộc sống của mình và có cảm giác bình yên và thỏa mãn những điều bạn mong muốn; phương pháp này ưu việt hơn, giúp bạn quyết đoán khi hành động và điều quan trọng là nó phải là kết quả của quá trình tư duy kỹ càng, sâu lắng.

Xem thêm

Review sách