0
Chưa có sách nào trong giỏ hàng

“Người Thông Minh Không Làm Việc Một Mình”: Bí Quyết Để Trở Thành Một Cộng Sự Tuyệt Vời

10.04.2020

Con người sinh ra để hợp tác cùng nhau. Đó là một quan niệm đúng đắn. Hãy thử tưởng tượng chỉ có một mình bạn sống trên Trái Đất này. Bạn buộc phải tìm cách sinh tồn, phải tự xây nhà, tự may quần áo, tự kiếm thức ăn... Không một ai giúp đỡ bạn hay chia sẻ gánh nặng với bạn. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy cô đơn, mệt mỏi và chán nản khi bạn buộc phải tự mình đối mặt với khó khăn và thử thách. Vậy thì, có một cộng sự tốt cùng bạn chia sẻ trách nhiệm và cùng bạn vượt qua khó khăn chẳng phải là một điều đáng mừng sao?

Trở thành cộng sự tuyệt vời là một việc khó khăn.

Nếu bạn đang một mình phấn đấu để đạt được mục tiêu thì mọi nỗ lực của bạn đều do bạn quyết định. Bạn muốn thay đổi mục tiêu? Cứ làm. Bạn muốn tiến nhanh hơn hay chậm hơn? Không ai phản đối cả. Có điều bất ổn, không như dự định của bạn ư? Bạn không có ai để đổ lỗi, ngoại trừ chính bạn.

Còn cộng tác với một người nữa để tạo ra sự cân bằng ắt sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Hai bạn phải luôn ở trên cùng một con thuyền vì sứ mệnh chung. Cả hai đều đánh giá quá cao đóng góp của bản thân, dễ dàng nhận ra những điểm yếu của người kia hơn là điểm mạnh, tự tạo những giả định sai lầm và ít trò chuyện với nhau, và có lẽ cảm thấy khó có thể tin tưởng nhau. Chiếc bẫy nguy hiểm nhất của sự hợp tác là khả năng sẵn sàng đổ lỗi cho người khác mỗi khi mắc phải sai lầm.

Mối hợp tác tốt đòi hỏi một mức độ thích nghi và sự khiêm tốn cần thiết, cần đến khả năng ứng xử khôn khéo, ý thức, khả năng vượt qua thành kiến, và đôi khi là sự tự kiểm soát và lòng vị tha ở mức độ cao của bạn. Trong tất cả các trường hợp, khát khao đạt được mục tiêu chung phải vượt lên trên sự bất đồng và những cãi vã vặt vãnh.

Nếu bạn muốn có một mối quan hệ hợp tác tuyệt vời thì hãy trở thành một cộng sự tuyệt vời. Hãy bỏ cái tôi của bạn lại đằng sau, vứt ý nghĩ rằng bạn là một người uyên bác, và thôi mong chờ đồng nghiệp của bạn sẽ là một người tài giỏi. Hãy kết hợp động lực thúc đẩy của người kia với quan điểm hoàn thành nhiệm vụ của bạn. Hãy thư giãn. Hãy đặt bản tính cạnh tranh sang một bên. Hãy tập trung vào những đóng góp của bạn trong mối quan hệ hợp tác hơn cái bạn nhận được từ nó. Hãy kiềm chế cơn giận dữ và hãy dễ dàng tha thứ. Và song song đó, hãy không ngừng trao đổi, thảo luận với nhau.

Khi bạn làm như thế, điều kỳ diệu sẽ xuất hiện. Bạn sẽ tìm được nhiều người tâm đầu ý hợp hơn trong số đồng nghiệp của bạn. Bạn sẽ nhận ra những điểm mạnh của bạn và của cộng sự. Bạn sẽ tìm thấy nhiều niềm vui cũng như gặt hái được nhiều thành công hơn. Và điều quan trọng nhất là bạn sẽ không đứng một mình trên những đỉnh cao của thành công đó.

Đó là sức mạnh của cặp đôi ăn ý.

Và đừng quên 8 yếu tố của một mối quan hệ hợp tác bền vững. Đó là:

1. Sức mạnh cộng hưởng: Một trong những lý do thuyết phục nhất của việc lập nhóm là bạn sẽ làm việc với những người giỏi trong những lĩnh vực bạn còn yếu kém và ngược lại. Cả hai có thể cùng nhau vượt qua rào cản mà tự mỗi người không thể nào làm được. Một người khó có thể toàn diện, nhưng một đội thì có thể.

2. Sứ mệnh chung: Khi mối quan hệ hợp tác thất bại, nguyên nhân gốc rễ thường là do 2 người theo đuổi hai vấn đề riêng biệt. Ngược lại, khi cả 2 có chung mục tiêu, họ sẽ có xu hướng hy sinh nhu cầu cá nhân để thực hiện điều đó đến cùng.

3. Công bằng: Con người có nhu cầu bản năng về lẽ công bằng và không ai thích bị lợi dụng hay thua thiệt trong giao dịch. Đó cũng là một đặc tính quan trọng trong mối quan hệ cộng tác bền vững.

4. Tín nhiệm: Hợp tác với người khác đồng nghĩa với việc mạo hiểm. Bạn không thể dốc hết sức nếu cho là người cộng sự chưa làm hết mình. Cả hai cần đặt niềm tin vào nhau rằng mỗi người đều vì quyền lợi của người kia. 

5. Chấp nhận: Mỗi người nhìn thế giới qua một lăng kính riêng. Điều bình thường của người này có thể lại là sai lầm nghiêm trọng với người khác. Vì thế, sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn nếu cả 2 không học cách chấp nhận các đặc tính của nhau.

6. Tha thứ: Con người không ai hoàn hảo cả. Họ mắc lỗi và đôi khi làm điều sai trái. Nếu không có sự tha thứ, mối thù hằn xuất phát từ bản năng bạn hoặc thù của chúng ta sẽ che lấp mọi lý do để cả hai có thể tiếp tục mối quan hệ hợp tác.

7. Trao đổi thông tin: Biện pháp duy nhất để hai cách suy nghĩ có thể nhất quán trong cùng một nhiệm vụ phụ thuộc vào chất lượng mối giao tiếp giữa họ. Ban đầu, việc giao tiếp giúp tránh hiểu lầm và bảo đảm sự tin cậy nơi đối tác, còn về sau là giúp 2 người trong nhóm hòa hợp.

8. Sẵn sàng cho đi: Người sẵn sàng cho đi cho hay mối quan hệ hợp tác trở thành khía cạnh thỏa mãn nhất trong cuộc sống của họ. Theo họ, một người có thể hoàn thành được mục tiêu lớn lao, nhưng thành tựu cá nhân không thể đem so sánh với thành tựu to lớn mà một đội thực hiện được

Theo ybox.vn

Review sách